Sau khi hoàn thành công trình xây dựng, bên thi công cần phải thực hiện một bản vẽ hoàn công. Đây là thủ tục hết sức quan trọng để hợp thức hóa công trình theo đúng quy định của pháp luật. Một bản vẽ hoàn công hoàn chỉnh liên quan đến nhiều yếu tố: tính pháp lý, kỹ thuật và thực tế xây dựng. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp quý vị giải đáp những thắc mắc xoay quanh bản vẽ hoàn công theo nghị định 46.
Tìm hiểu về bản vẽ hoàn công
Theo như nội dung của nghị định 46, ta có thể hiểu đơn giản: Bản vẽ hoàn công là một loại bản vẽ thể hiện đúng tình trạng thực tế của công trình sau khi xây dựng. Bản vẽ được yêu cầu chính xác về diện tích sử dụng, kích thước, cấu trúc các phần của công trình thực so với thiết kế ban đầu.
Bản vẽ hoàn công theo nghị định 46 gần tương tự bản vẽ thiết kế, nhưng các số liệu sẽ có sự thay đổi. Từ đó, chủ đầu tư, nhà thầu có thể thấy rõ được những thay đổi về kích thước, công năng của công trình thực so với dự kiến ban đầu. Nhờ đó việc nghiệm thu công trình sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Quy định về lập bản vẽ hoàn công theo nghị định 46
Trường hợp 1: Các kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình xây dựng nằm trong phạm vi sai số cho phép so với kích thước, thông số của bản vẽ thiết kế. Với trường hợp này, bản vẽ thi công được chụp hoặc sao chép lại có đóng dấu, xác nhận của các bên liên quan sẽ sử dụng như bản vẽ hoàn công.
Trường hợp 2: Các kích thước, thông số của công trình thực tế có thay đổi so với kích thước, thông số của bản vẽ thiết kế thi công theo sự phê duyệt trước đó của chủ đầu tư, tổng thầu hoặc đơn vị có trách nhiệm. Nhà thầu thi công xây dựng được phép ghi lại các kích thước, thông số thực tế trong ngoặc đơn, bên cạnh hoặc bên dưới các giá trị, thông số cũ trong bản vẽ này.
Trong trường hợp có sự thay đổi lớn hoặc theo yêu cầu, lý do cụ thể khác, nhà thầu thi công có thể lập bản vẽ hoàn công mới.
Quy định về dấu hoàn công theo thông tư số 26/2016/TT-BXD
Dấu hoàn công là căn cứ để xem xét tính pháp lý của bản vẽ hoàn công. Bản vẽ có dấu hoàn công hợp lệ mới thì công trình mới được công nhận.
Mẫu dấu bản vẽ hoàn công mới nhất
Trong mỗi bản vẽ hoàn công hợp lệ phải được đóng dấu bản vẽ hoàn công. Con dấu có hình chữ nhật chia thành nhiều ô bao gồm các nội dung như: người lập, nhà thầu thi công, người/ đơn vị giám sát thi công, chủ đầu tư. Con dấu hợp pháp phải có chữ kí, ghi rõ họ tên, chức vụ hoặc được đóng dấu pháp lý của công ty, đơn vị.
Cách đóng dấu hoàn công hợp lệ
Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định các bên liên quan đóng dấu, ký xác nhận lên bản vẽ. Tuy nhiên trong mẫu bản vẽ hoàn công, các đơn vị liên quan (nhà thầu, tư vấn giám sát) không có đại diện pháp luật. Vì vậy không thể đóng dấu pháp lý/ dấu tròn lên mẫu bản vẽ hoàn công.
Ta có thể giải quyết vấn đề này theo điểm a, khoản 1, Phụ lục 2 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2017 của Bộ Xây dựng. Nếu kích thước, thông số thực tế của hạng mục công trình xây dựng nằm trong phạm vi sai số cho phép thì bản thiết kế được chụp hoặc photo có đóng dấu, xác nhận của các bên liên quan sẽ được sử dụng như bản vẽ hoàn công.
Con dấu được đóng trên bản vẽ hoàn công là dấu bản vẽ hoàn công được quy định tại khoản 2. Phụ lục 2 của thông tư này.
Hỏi đáp về bản vẽ hoàn công theo nghị định 46
Câu hỏi 1: Nghị định, Thông tư nào của bộ xây dựng quy định về Bản vẽ hoàn công?
Trả lời:
– Khái niệm bản vẽ hoàn công được quy định tại Điều 3 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
– Lập bản vẽ hoàn công phục vụ nghiệm thu công trình là nghĩa vụ của Nhà thầu thi công. Điều này được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 113, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng của Luật Xây dựng.
– Khoản 3 Điều 124 Bàn giao công trình của Luật Xây dựng cũng quy định: Khi bàn giao công trình xây dựng, nhà thầu thi công phải bàn giao cho chủ đầu tư các tài liệu gồm bản vẽ hoàn công theo nghị định 46, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo trì công trình, kèm theo danh mục các thiết bị, vật tư và các tất cả tài liệu có liên quan.
Câu hỏi 2: Có được phép in lại bản vẽ Shop làm bản vẽ hoàn công phục vụ quyết toán công trình không?
Theo phụ lục 2 của Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chỉ cần vẽ lại bản vẽ hoàn công khi thực sự cần thiết. Trong các trường hợp khác, có thể sử dụng bản thiết kế được chụp hoặc photo lại có thẩm định rồi chú thích phần số liệu thay đổi ở bên cạnh. Nếu vẽ bản mới thì cần thẩm định lại mới có thể sử dụng được bản vẽ hoàn công đó.
Trên đây là thông tin về bản vẽ hoàn công theo nghị định 46 và một số thắc mắc thường gặp khi thực hiện bản vẽ này. Nếu quý vị còn bất cứ vướng mắc nào hay để lại bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ giúp quý vị giải đáp ngay.