Dân gian xưa thường có câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” để ngụ ý rằng ngữ pháp tiếng Việt rất khó và đa dạng. Trong đó, ngôn ngữ địa phương chính là yếu tố giúp cho tiếng Việt trở nên độc đáo và phong phú hơn. Một trong những từ ngữ địa phương được các bạn trẻ quan tâm và sử dụng hiện nay là từ “trốc tru”. Vậy trốc tru là gì? Trong những trường hợp nào thì từ này được sử dụng? Bài viết sau đây của chúng mình sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từ “trốc tru” và ý nghĩa của một số ngôn ngữ địa phương miền Trung nhé!
Trốc tru là gì?
Giải nghĩa trốc tru trong tiếng miền Trung
Đối với những bạn khi lần đầu tiên nghe tới từ “trốc tru” thì chắc chắn ai cũng sẽ tự đặt ra nhiều câu hỏi trong đầu mình là: “Trốc tru là gì?”, “Đây là tên gọi một loại quả phải không?”, “Có phải đối phương đang khen mình đúng không?” Thực tế thì sẽ không phải như các bạn nghĩ.
“Trốc tru” là một từ tiếng lóng, được người dân ở khu vực miền Trung sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là những người thuộc tỉnh Nghệ An. Trong đó, “trốc” có nghĩa là cái đầu, còn “tru” được hiểu là con trâu.
Vậy trốc tru là gì? Sau khi ghép nghĩa của hai từ trên thì “trốc tru” không phải một loại quả, cũng không phải là lời khen mà đó là chỉ tới “cái đầu trâu”.
Từ ngữ này thường được người dân miền Trung sử dụng trong những trường hợp nào và nó mang hàm ý gì? Cùng chúng mình tìm hiểu nội dung tiếp theo của bài viết để hiểu rõ hơn về cách dùng từ “trốc tru” nhé!
Trong trường hợp nào thì từ trốc tru được sử dụng
Người dân xứ Nghệ thường sử dụng từ “trốc tru” để chỉ những người bướng bỉnh, cứng đầu, nghịch ngợm, không chịu lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác để thay đổi bản thân. Cho dù có bị mọi người xung quanh nhận xét hay góp ý về những thói hư, tật xấu của mình thì họ vẫn sẽ bỏ ngoài tai những lời nói đấy và trung thành với những thứ mà bản thân họ đã quen thuộc. Với tính cách ương ngạnh như vậy, những người này sẽ rất khó để phát triển bản thân, họ chỉ biết dậm chân tại chỗ với những gì mình đã có sẵn.
Vì vậy, từ “trốc tru” rất thích hợp để chỉ những người có tính cách như vậy. Bởi vì, mặc dù trâu là một con vật hiền lành, chăm chỉ nhưng ngược lại nó cũng rất cứng đầu và khó bảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thuần hóa nó và bắt nó làm theo ý mình, giúp nó trở thành một con vật có ích đối với người nông dân. Con người cũng giống như vậy. Cho dù người đó có khó bảo thế nào nhưng chỉ cần chúng ta kiên trì dạy dỗ, khuyên răn thì một ngày nào đó họ chắc chắn sẽ trở nên tốt hơn.
Người dân Nghệ An đã thật tài tình khi dùng hình ảnh con trâu để ẩn dụ, ám chỉ những con người ương bướng, bảo thủ. Thay vì sử dụng từ ngữ mạnh bạo để chỉ những người này thì việc dùng từ “trốc tru’’ sẽ mang một sắc thái và ngữ điệu nhẹ nhàng, không quá gay gắt và không mang ý nghĩa chỉ trích hay phê phán một ai đó. Do vậy, nó chủ yếu được sử dụng giống như một lời nói đùa mà thôi.
Như vậy, chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ “trốc tru là gì” rồi phải không? Ngoài từ “trốc tru”, người dân miền Trung còn có rất nhiều từ ngữ địa phương khác độc và lạ hơn nữa đấy. Cùng tìm hiểu tiếp với chúng mình nhé!
Khu mấn nghĩa là gì? Cặp đôi khu mấn – trốc tru
Ở miền Trung, khi nhắc đến từ “trốc tru” thì đa số người ta sẽ nghĩ tới từ “khu mấn”. Vậy khu mấn nghĩa là gì? Hai từ này có mối quan hệ như thế nào với nhau?
Trên thực tế, hai từ này gần như không có mối liên quan gì tới nhau. Nhưng tại vì chúng đều gây khó hiểu cho người nghe nên chúng đã được ghép đôi để đi cùng nhau.
Theo tiếng địa phương miền Trung, “khu” có nghĩa là mông, còn “mấn” dùng để nói tới cái váy. Vào khoảng những năm 60 – 70 ở Nghệ Tĩnh, các bà các cô thường hay mặc những chiếc váy có phần vải màu đen ở ngay mông. Sau những giờ làm ruộng vất vả, họ sẽ ngồi tám chuyện với nhau. Vì không có ghế nên họ sẽ ngồi ở dưới đất, khiến cho phần vải màu đen trên váy bị bám bùn, trông rất bẩn.
Ngày nay, từ “khu mấn” được dùng để mang ý nghĩa chê bai hoặc không đồng tình với một điều gì đó. Ví dụ khi bạn đang nói về một sự việc nào đó mà người nghe bảo là khu mấn, tức là họ không tin vào những gì bạn nói. Ngoài ra, khu mấn còn ám chỉ sự nghèo nàn hoặc không có thứ gì trong tay.
Tìm hiểu một số ngôn ngữ địa phương miền Trung
Sau khi giải đáp cho mọi người hiểu được rằng “trốc tru là gì?”, “khu mấn là gì?” thì chúng mình xin giới thiệu một số ngôn ngữ địa phương miền Trung phổ biến.
Dưới đây là một số từ ngữ, câu nói địa phương miền Trung cơ bản để bạn có thể vận dụng khi giao tiếp với họ.
Đại từ – Mạo từ:
* Mi = Mày
* Tau = Tao
* Choa = Chúng tao
* Bây = Các bạn
* Hấn = Hắn
* Cấy = Cái
Danh từ:
* Con du = Con dâu
* Chủi = Chổi
* Đọi = Cái bát
* Con me = Con bê
* Trốc gúi = Đầu gối
* Chạc = Cái dây
Thán từ:
* Ni = Này
* Tê = Kia
* Rứa = Thế
* Răng = Sao
* Chi = Gì
* Nỏ = Không
Động từ:
* Bổ = Ngã
* Bứt = Bẻ
* Chưởi = Chửi
* Gưởi = Gửi
* Nhởi = Chơi
* Hun = Hôn
Ví dụ một số câu nói địa phương miền Trung:
* Bây đi đâu đó? = Các bạn đi đâu đấy?
* Cấy chi rứa? = Cái gì thế?
* Bổ xe à? = Ngã xe à
* Mốt tau mới đi = Ngày kia tao mới đi
* Răng rứa = Sao thế
* Uống vô mát rọi = Uống vào mát ruột
Trên đây là những chia sẻ của chúng mình về một số ngôn ngữ địa phương miền Trung. Hy vọng, với bài viết này các bạn đã hiểu hơn về “trốc tru là gì?”, “khu mấn là gì” và cách dùng 2 từ ngữ này trong trường hợp nào. Hãy theo dõi chúng mình thường xuyên để biết thêm nhiều kiến thức, thông tin về mảnh đất miền Trung thân yêu nhé!